Lượt xem: 1632

Huyện Kế Sách liên kết sản xuất và tiêu thụ mít thái siêu sớm

Vừa qua, tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng các hợp tác xã (HTX) trồng mít thái siêu sớm (gọi tắt là mít thái) tổ chức cuộc gặp gỡ, trao đổi về liên kết sản xuất, tiêu thụ mít thái trên địa bàn huyện Kế Sách.

 


Trao đổi về cách phân loại mít.

 

    Trong buổi làm việc, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về tình hình trồng mít thái của huyện. Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện Kế Sách có hơn 1.500 ha mít thái; trong đó, diện tích đang cho trái khoảng 1.000 ha, sản lượng 36.000 tấn/năm; diện tích chuyên canh chiếm gần 30% diện tích trồng mít; sản lượng mít được tiêu thụ bởi 44 vựa thu mua.

    Qua khảo sát thực tế ngoài vườn, thực hành thu hoạch, đánh giá chất lượng và phân loại trái mít với nhà vườn; nhân viên phân loại, thu mua mít của Công ty Song Toàn Phát cho rằng, nhà vườn chưa chăm sóc đúng mức nên tỷ lệ đạt loại A còn thấp. Nhân viên của công ty đã hướng dẫn nhà vườn trồng mít yêu cầu để phân loại như: Độ chín khi thu hoạch, mẫu mã bên ngoài, chất lượng bên trong, trọng lượng trái… Đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân trái mít bị rớt khỏi loại A do một số nguyên nhân chính như: Trái phát triển không đều, méo mó; vỏ trái bị đen, dập gai; xơ đen; múi nhỏ, mỏng; màu múi vàng nhạt và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để tránh các hạn chế vừa nêu.

    Chia sẻ về thị trường tiêu thụ mít thái, bà Nguyễn Ngọc Phương Thảo - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Song Toàn Phát cho biết, đối với mít loại A thị trường tiêu thụ với số lượng không hạn chế, giá bán cao gấp đôi so với mít “kem” (loại B). Do vậy, nhà vườn cần định hướng sản xuất để đạt loại A bằng kỹ thuật canh tác phù hợp (dinh dưỡng, tỉa trái, chọn vị trí để trái, phòng bệnh xơ đen trái) nhằm thu được hiệu quả kinh tế cao hơn, bền vững hơn.

    Đồng chí Phan Hải Hoàng Tâm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa cho biết, nhiều nhà vườn chuyên canh mít ở Xuân Hòa đã đạt tỷ lệ mít loại A chiếm 60 -70% và hoàn toàn có thể nhân rộng trong thời gian tới để liên kết với doanh nghiệp thu mua.

    Trong khi đó, ông Huỳnh An Khương - Phó Giám đốc HTX Thành Công, sau khi trao đổi, tìm hiểu cặn kẽ qua hướng dẫn thực tế thì nhận xét rằng, tiêu chuẩn về phân loại trái mít do công ty thu mua đưa ra là rõ ràng, nhà vườn có thể tự thu hoạch và phân loại chính xác; giá thu mua hợp lý. Tuy nhiên, nông dân trồng mít phải nâng cao kỹ thuật canh tác, đầu tư, chăm sóc đúng mức mới đáp ứng tốt yêu cầu về mẫu mã, chất lượng do bên mua đặt ra.

    Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách phân công Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các trạm chuyên môn nhanh chóng chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nhà vườn, nhằm sản xuất ra sản phẩm đạt yêu cầu do bên mua đề ra; phối hợp với cơ quan liên quan xúc tiến đăng ký mã số vùng trồng để có đủ điều kiện xuất khẩu; tăng cường mối liên kết giữa các HTX trồng mít thái với nhau cũng như tạo lập mối liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 7359
  • Trong tuần: 78,066
  • Tất cả: 11,801,386